Tháp Maslow là tên gọi không quá xa lạ đối với chúng ta, có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn vì tính ứng dụng của nó trên mọi lĩnh vực và trở thành nguyên tắc không thể tách rời. Đây chính là chìa khóa vàng trong quản trị.
1. Tháp nhu cầu Maslow là gì?
Tháp nhu cầu Maslow (tiếng Anh: Maslow’s hierarchy of needs) là một lý thuyết về động lực trong tâm lý học bao gồm một mô hình 5 tầng về nhu cầu của con người bao gồm: sinh học, an toàn, xã hội, sự kính trọng và thể hiện bản thân.
2. Ý nghĩa của tháp Maslow trong cuộc sống:
Theo nhà tâm lý học nhân văn Abraham Maslow, con người có rất nhiều nhu cầu và chúng được phân theo những cấp bậc khác nhau. Bao gồm nhu cầu cơ bản và các nhu cầu bậc cao, theo lý thuyết thông thường, con người thường ưu tiên những nhu cầu cơ bản trước khi phát sinh những nhu cầu cao hơn.
Các nhu cầu cơ bản ở đây bao gồm việc ăn, ngủ nghỉ, sinh lý đều là những việc không thể nào thiếu của một con người. Sau đó mới đến nhu cầu về sự an toàn, kết nối và nhu cầu thể hiện bản thân ở những bậc cao hơn.
3. Các cấp bậc của tháp nhu cầu Maslow:
Trong thời điểm đầu tiên của lý thuyết, Maslow đưa ra các nhu cầu của con người theo 5 cấp bậc. Sau này, ông có phát triển lên đến bậc 7 rồi bậc 8. Tuy nhiên, thang 5 bậc vẫn phổ biến và được ứng dụng nhiều hơn cả.
Tầng 1: Nhu cầu thiết yếu (basic needs)
Đây là nhu cầu cơ bản nhất, xuất hiện ở bất cứ ai và là tiền đề phát triển những nhu cầu sau đó. Trong kinh doanh nhu cầu tương ứng với nhu cầu bậc 1 Maslow đưa ra đáp ứng các dạng nhu cầu thiết yếu gồm ăn uống, nghỉ ngơi…
Tầng 2: Nhu cầu về an toàn – được bảo vệ (safety needs)
Đây được coi như bước phát triển cao hơn của những nhu cầu cơ bản. Bao gồm mong muốn được bảo vệ về thể xác, đảm bảo việc làm, nơi ở,… Trong kinh doanh, nhu cầu bậc 2 trong tháp nhu cầu Maslow có nghĩa là doanh nghiệp của bạn phải đảm bảo tính cam kết và bền vững. Tức là phải làm đúng và nhất quán những điều mà doanh nghiệp đã nói, tạo niềm tin với khách hàng.
Tầng 3: Nhu cầu về xã hội – kết nối (social needs)
Đây là nhu cầu thiên về yếu tố cảm xúc, tinh thần. Theo đó, con người luôn muốn được đặt mình trong mối quan hệ xã hội như: gia đình, trường lớp, công ty,…. Vận dùng vào hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần đảm bảo tính cá nhân hóa đối với khách hàng, hãy trân trọng sự ủng hộ của họ dành cho doanh nghiệp và thể hiện sự quan tâm tới nhu cầu cá nhân của họ…
Tầng 4: Nhu cầu được quý trọng (esteem needs)
Đây là nhu cầu thể hiện mong muốn được quý mến, nể trọng trong tổ chức, xã hội. tương tự trong kinh doanh, doanh nghiệp phải đem lại cho khách hàng cảm giác được trân trọng, được quan tâm đặc biệt, được đối xử tử tế, lịch sự thể hiện “khách hàng là thượng đế”.
Tầng 5: Nhu cầu thể hiện bản thân (self-actualizing needs)
Đây là nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow. Nó là mong muốn được thể hiện bản thân, được khẳng định mình trong cuộc sống , được sống và làm việc theo sở thích, đam mê của mình để cống hiến cho cộng đồng. Đối với kinh doanh, tầng nhu cầu thứ 5 tương ứng với việc khách hàng phải cảm thấy tin tưởng vào bản thân họ, cảm thấy rằng quyết định mua hàng hay sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp chính là một quyết định đúng đắn của họ, cho họ cảm giác mình trở nên quan trọng không chỉ với doanh nghiệp mà còn với tất cả những người khác xung quanh cuộc sống của họ.
Tháp nhu cầu của Maslow lý giải cho việc tại sao có những doanh nghiệp không thể thực sự đáp ứng nhu cầu dịch vụ của khách nếu chỉ tập trung vào nhóm nhu cầu mức cao hoặc bỏ qua nhóm những nhu cầu cơ bản nhất.
4. Ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong quản trị:
Nhu cầu cơ bản:
Các nhân viên được công ty trả một mức lương công bằng và xứng đáng với vị trí, năng lực làm việc. Đồng thời, mức lương đó phải đảm bảo những chi tiêu tối thiểu cho nhân viên và có thêm những khoản phụ cấp khác như: tiền xăng xe, tiền ăn trưa cùng với một chế độ làm việc, nghỉ ngơi phù hợp.
Nhu cầu an toàn:
Công ty phải đảm bảo được điều kiện làm việc tốt cho nhân viên. Thể hiện thông qua việc thực hiện ký kết hợp đồng lao động, tuân thủ quy định của pháp luật về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên và bảo hiểm thất nghiệp.
Nhu cầu xã hội:
Theo tháp nhu cầu Maslow, đáp ứng nhu cầu xã hội trong quản trị thể hiện qua việc xây dựng văn hóa làm việc nhóm, hình thành công đoàn, các khối phòng ban… Bên cạnh đó, cần tổ chức những chuyến du lịch, team building hay hoạt động ngoại khóa thường quý hoặc thường niên cho cán bộ và nhân viên với quy mô phòng ban hoặc toàn công ty.
Nhu cầu được tôn trọng:
Trong công việc, nên có những con đường thăng tiến rõ ràng cho nhân viên về cả mức lương hay vị trí làm việc. Hãy trao quyền hạn đi đôi với trách nhiệm đỗi với từng nhân viên và có các cơ chế thưởng, phạt công bằng để khích lệ nhân viên.
Nhu cầu thể hiện bản thân:
Hãy khai thác và cung cấp các cơ hội phát triển những thế mạnh của từng cá nhân trong công ty. Cân nhắc các vị trí lãnh đạo cho nhân viên xuất sắc nhất. Trao cho nhân viên quyền có tiếng nói chi phối, đóng góp vào sự phát triển của công ty.
Nguồn: Tổng hợp